#044 | Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường: Phải có thiệt hại

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty M (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Công ty T (Bị đơn) để thi công công việc chống thấm cho một tòa nhà. Sau đó hai Bên có tranh chấp và một bên yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường thiệt hại không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Bài học kinh nghiệm:

Trong thực tế, không hiếm khi gặp trường hợp một bên cho rằng bên kia đã vi phạm hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được chấp nhận không khi không chứng minh được thiệt hại?

Trong vụ việc trên, Bị đơn đã thông báo cho Nguyên đơn biết là Bị đơn chấm dứt hợp đồng. Nguyên đơn cho rằng “đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật” nên Bị đơn “phải bồi thường thiệt hại” cho Nguyên đơn “bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp” mà Nguyên đơn phải chịu do lỗi của Bị đơn gây ra cũng như khoản lợi mà Nguyên đơn đáng ra được hưởng. Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “Căn cứ vào Hồ sơ Vụ tranh chấp, trả lời câu hỏi của Hội đồng Trọng tài về việc yêu cầu Nguyên đơn cung cấp các bằng chứng để làm cơ sở chứng minh việc Bị đơn gây thiệt hại trực tiếp cho Nguyên đơn và Nguyên đơn phải chịu do Bị đơn gây ra và khoản lợi trực tiếp mà Nguyên đơn đáng lẽ được hưởng, nhưng Nguyên đơn đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh Bị đơn đã gây thiệt hại trực tiếp cho Nguyên đơn. Như vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của Nguyên đơn đối với Bị đơn chủ yếu chỉ căn cứ vào ngôn từ trong hợp đồng và giải thích theo suy luận của Nguyên đơn là không thuyết phục, không phù hợp với quy định của pháp luật về yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do vậy, yêu cầu này của Nguyên đơn chưa có cơ sở pháp lý để Hội đồng Trọng tài chấp nhận”.

Cũng trong vụ việc trên, Bị đơn cho rằng Nguyên đơn vi phạm hợp đồng gây thiệt hại nên yêu cầu Nguyên đơn bồi thường. Tuy nhiên, theo Hội đồng Trọng tài, “để buộc Nguyên đơn bồi thường thiệt hại, Bị đơn phải chứng minh (i) Nguyên đơn vi phạm hợp đồng; (ii) có thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm hợp đồng của Nguyên đơn là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Khi xem xét yêu cầu này của Bị đơn, Hội đồng Trọng tài nhận thấy: thứ nhất, Nguyên đơn đã vi phạm hợp đồng (mặc dù đã hoàn thành khối lượng công việc theo hợp đồng nhưng phạm vi chống thấm mà Nguyên đơn thi công còn có thấm dột – điều này đã được Nguyên đơn thừa nhận); thứ hai, theo quy định tại khoản 2, Điều 303 Luật Thương mại năm 2005, muốn được bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh “có thiệt hại thực tế” xảy ra. Tại các Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, Bị đơn không cung cấp được bất cứ bằng chứng nào chứng minh việc Nguyên đơn gây thiệt hại trên thực tế cho Bị đơn để làm căn cứ yêu cầu bồi thường”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài khẳng định “chưa có đủ cơ sở để Hội đồng Trọng tài tin rằng thiệt hại trên thực tế đã xảy ra để chấp nhận yêu cầu này của Bị đơn”.

Đối với tranh chấp thương mại, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường đã được quy định tại Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 theo đó “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: 1. Có hành vi vi phạm hợp đồng; 2. Có thiệt hại thực tế; 3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”. Trong vụ việc trên, chúng ta thấy tồn tại yêu cầu bồi thường thiệt hại và, trong yêu cầu thứ hai (của Bị đơn), chúng ta đã thấy Hội đồng Trọng tài xác định có hành vi vi phạm hợp đồng. Mặc dù vậy, trong cả hai trường hợp, Hội đồng Trọng tài đều từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ở đây, nguyên nhân chính dẫn đến từ chối yêu cầu bồi thường là do bên yêu cầu không chứng minh được thiệt hại (một trong những điều kiện để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại).

Do đó, khi cho rằng mình bị vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ chứng cứ, nhất là chứng cứ về sự tồn tại của thiệt hại trong thực tế. Nếu không chuẩn bị kỹ chứng cứ như vừa nêu, yêu cầu bồi thường thiệt hại có nguy cơ không được chấp nhận như chúng ta đã thấy.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI